Kỹ thuật điện - An toàn điện - An toàn vệ sinh lao động - Quy trình, Quy phạm, quy định - Năng lượng mặt trời

Menu

Thao tác thiết bị điện - Quy trình an toàn điện 2014



(Trích Quy trình AT điện 2014)
CHƯƠNG II
THAO TÁC THIẾT BỊ ĐIỆN
Điều 6. Quy định chung
1. Trong chế độ bình thường, các thao tác ở thiết bị điện cao áp đều phải lập và thực hiện theo phiếu thao tác quy định trong Quy trình Thao tác hệ thống điện quốc gia.
2. Trong chế độ sự cố, thao tác các thiết bị điện thực hiện theo Quy trình Xử lý sự cố hệ thống điện quốc gia.
3. Thao tác đóng, cắt điện ở thiết bị điện cao áp, ít nhất phải do hai người thực hiện (trừ trường hợp thiết bị được trang bị đặc biệt và có quy trình thao tác riêng). Những người này phải hiểu rõ sơ đồ và vị trí của thiết bị tại hiện trường, một người thao tác và một người giám sát thao tác. Người thao tác phải có bậc 3 an toàn điện trở lên, người giám sát thao tác phải có bậc 4 an toàn điện trở lên.
4. Trường hợp đặc biệt, nếu thao tác ở nơi có khả năng không liên lạc được thì cho phép thao tác theo giờ đã hẹn trước, nhưng phải so và chỉnh lại giờ cho thống nhất với đồng hồ của người ra lệnh. Nếu vì lý do nào đó mà sai hẹn thì cấm thao tác.
 5. Cấm đóng, cắt điện bằng sào thao tác và dao cách ly thao tác trực tiếp tại chỗ hoặc thay dây chì đối với thiết bị ở ngoài trời trong lúc mưa to nước chảy thành dòng trên thiết bị, dụng cụ an toàn hoặc đang có giông sét.
6. Dao cách ly được phép thao tác không điện hoặc thao tác có điện khi dòng điện thao tác nhỏ hơn dòng điện cho phép theo quy trình vận hành của dao cách ly đó do đơn vị quản lý vận hành ban hành. Các trường hợp dùng dao cách ly để tiến hành các thao tác có điện được quy định cụ thể trong Quy trình Thao tác hệ thống điện quốc gia.
7. Trường hợp đặc biệt được phép đóng, cắt dao cách ly khi trời mưa, giông ở những đường dây không có điện và thay dây chì của máy biến áp, máy biến điện áp vào lúc khí hậu ẩm, ướt sau khi đã cắt dao cách ly cả hai phía cao áp và hạ áp của máy biến áp, máy biến điện áp.
8. Nếu xảy ra tai nạn, sự cố hoặc có thể gây ra mất an toàn cho người và hư hỏng thiết bị thì nhân viên vận hành được phép cắt các máy cắt, dao cách ly mà không phải có lệnh hoặc phiếu, nhưng sau đó phải báo cáo cho nhân viên vận hành cấp trên và người phụ trách trực tiếp của mình biết nội dung những việc đã làm, sau đó phải ghi đầy đủ vào sổ nhật ký vận hành.
9. Phiếu thao tác thực hiện xong phải được lưu ít nhất 03 tháng. Trường hợp thao tác có liên quan đến sự cố, tai nạn thì các phiếu thao tác có liên quan phải được lưu trong hồ sơ điều tra sự cố, tai nạn lao động của đơn vị.
Điều 7. Trách nhiệm của những người thực hiện
1. Người ra lệnh thao tác phải hiểu rõ trình tự tiến hành tất cả các bước thao tác đã dự kiến, điều kiện cho phép thực hiện theo tình trạng sơ đồ thực tế và chế độ vận hành thiết bị. Khi truyền đạt lệnh, người ra lệnh phải nói rõ họ tên mình và xác định rõ họ tên, chức danh của người nhận lệnh. Lệnh thao tác phải được ghi âm và ghi chép đầy đủ.
2. Người nhận lệnh thao tác (người giám sát thao tác) phải nhắc lại toàn bộ lệnh, ghi chép đầy đủ trình tự thao tác, tên người ra lệnh và thời điểm yêu cầu thao tác. Khi chưa hiểu rõ lệnh thao tác thì có quyền đề nghị người ra lệnh giải thích. Chỉ khi người ra lệnh xác định hoàn toàn đúng và cho phép thao tác thì người giám sát thao tác và người thao tác mới được tiến hành thao tác. Thao tác xong phải ghi lại thời điểm kết thúc và báo cáo lại cho người ra lệnh. Trường hợp người nhận lệnh thao tác không phải là người giám sát thao tác thì người nhận chuyển lệnh thao tác phải ghi đầy đủ lệnh đó vào sổ nhật ký vận hành và ghi âm, có trách nhiệm chuyển ngay lệnh thao tác đến đúng người giám sát thao tác.
3. Trong điều kiện vận hành bình thường người giám sát thao tác và người thao tác phải thực hiện những quy định sau:
a) Khi nhận phiếu thao tác phải đọc kỹ và kiểm tra lại nội dung thao tác theo sơ đồ, nếu chưa rõ thì phải hỏi lại người ra lệnh. Nếu nhận lệnh bằng điện thoại thì người giám sát thao tác phải ghi đầy đủ lệnh đó và nhắc lại từng động tác trong điện thoại, ghi tên người ra lệnh, nhận lệnh, ngày, giờ truyền lệnh vào phiếu thao tác, sổ nhật ký vận hành;
b) Người giám sát thao tác và người thao tác, sau khi xem xét không còn thắc mắc cùng ký vào phiếu, mang phiếu đến địa điểm thao tác;
c) Tới nơi (vị trí) thao tác phải kiểm tra lại một lần nữa theo sơ đồ (nếu có) và  đối chiếu vị trí thiết bị trên thực tế đúng với nội dung ghi trong phiếu, đồng thời kiểm tra xung quanh hay trên thiết bị còn gì trở ngại không, sau đó mới được phép thao tác;
d) Người giám sát thao tác đọc to từng động tác theo thứ tự đã ghi trong phiếu. Người thao tác phải nhắc lại, người giám sát thao tác ra lệnh “đóng” hoặc “cắt” người thao tác mới được làm động tác. Mỗi động tác đã thực hiện xong, người giám sát đều phải đánh dấu (x) vào mục tương ứng trong phiếu;
e) Trong khi thao tác, nếu nghi ngờ động tác vừa thực hiện thì phải ngừng ngay công việc để kiểm tra lại toàn bộ, nếu không có bất thường thì mới tiếp tục tiến hành;
f) Nếu thao tác sai hoặc gây sự cố thì phải ngừng ngay việc thực hiện theo phiếu thao tác và báo cáo cho người ra lệnh biết. Việc thực hiện tiếp thao tác phải tiến hành theo một phiếu mới;
g) Sau khi thao tác cắt điện để làm việc, ở bộ phận truyền động của dao cách ly phải treo biển báo “Cấm đóng điện! Có người đang làm việc” và phải có thêm biện pháp tăng cường (khoá tay truyền động, đặt tấm lót, cử người canh gác v.v) để không thể đóng dao đưa điện vào thiết bị có người đang làm việc.
 h) Đóng, cắt dao cách ly tại chỗ trực tiếp bằng tay phải mang găng tay cách điện và đi ủng cách điện (hoặc mang găng tay cách điện và đứng trên ghế cách điện). Chỉ được đóng, cắt dao cách ly (hoặc cầu chì tự rơi) trên cột bằng sào cách điện với điều kiện khoảng cách từ phần dẫn điện thấp nhất của các thiết bị này đến người thao tác không nhỏ hơn 3,0m, trong trường hợp này người thao tác phải mang găng tay cách điện.
4. Trong mọi trường hợp, người ra lệnh thao tác, người giám sát thao tác, người thao tác, người nhận chuyển lệnh thao tác (nếu có) phải chịu trách nhiệm về việc thao tác các thiết bị điện. Chỉ được cho là hoàn thành nhiệm vụ khi người giám sát thao tác báo cáo cho người ra lệnh thao tác đã thao tác xong.


QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 8. Biện pháp kỹ thuật chung
Những biện pháp kỹ thuật chuẩn bị nơi làm việc phải cắt điện bao gồm:
1. Cắt điện và ngăn chặn có điện trở lại nơi làm việc.
2. Kiểm tra không còn điện.
3. Đặt (làm) tiếp đất.
4. Đặt (làm) rào chắn; treo biển báo, tín hiệu. Nếu cắt điện hoàn toàn thì không phải làm rào chắn. Biển báo an toàn về điện quy định tại Phụ lục 3 của Quy trình này.

  • Website: Kỹ thuật - An toàn và thông tin tổng hợp dành cho người làm công tác ATLĐ.